admin  /    30/06/2021  /    63 Lượt Xem  / 

Sáng 29/6, Ban Quản lý các KCN phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn các quy định phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại các DN trong KCN.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu chính tại Ban Quản lý các KCN với 180 điểm cầu là các DN và chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong tỉnh.

Tại hội nghị, các DN đã được đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn các quy định về phòng chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại DN; việc phân luồng cách ly y tế, khử khuẩn và vệ sinh môi trường khi có người lao động được xác định mắc COVID-19 cũng như công tác xử trí khi có trường hợp mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng và khó thở xảy ra tại nơi làm việc và ký túc xá. Các DN cũng được hướng dẫn thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc; việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Các DN cũng đã được giải đáp, hướng dẫn các phương án cách ly y tế, vận chuyển người lao động, hướng dẫn thành lập Tổ an toàn COVID-19 tại KCN, nhà trọ, khu nhà trọ cho người lao động; sử dụng bản báo cáo đánh giá nguy cơ COVID-19 dành cho DN. DN cũng nắm bắt được các phương án chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, vừa bảo đảm sản xuất an toàn vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại diện Ban Quản lý các KCN cho biết, toàn tỉnh có 370 DN đang hoạt động tại các KCN. Trong đó, khoảng 600 chuyên gia và người lao động làm việc trong KCN cư trú tại TP. Hồ Chí Minh nên phải đi và về hàng ngày. Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhất là tại một số KCN ở các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh, thực hiện văn bản số 1436/BQL-DN của Ban Quản lý các KCN, các DN trong KCN đã dừng bố trí xe đưa đón chuyên gia, công nhân đến từ các địa phương đang có dịch. Trong đó, các chuyên gia và người lao động nói trên đã được các DN bố trí cho làm việc tại nhà.

Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã triển khai phần mềm ứng dụng khai báo y tế để các DN cập nhật. Đồng thời tăng cường kiểm tra và kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các DN trong KCN. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các DN đều chủ động có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Công ty CP Sonadezi Châu Đức, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự công ty bày tỏ lo ngại dịch xảy ra tại các KCN bởi số lao động người nước ngoài làm việc tại các DN trong KCN khá nhiều. Do đó, DN kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho DN tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, người lao động tại KCN theo hình thức tự chi trả trong thời gian tới.

Ông Ngô Ngọc Trung, Phó Tổng vụ Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành lân cận như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh… DN đã tăng cường cảnh giác cao độ. Ngoài việc yêu cầu công nhân ký cam kết phòng chống dịch tại nhà máy như đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách..., công nhân phải ký cam kết phòng chống dịch tại khu trọ. Công ty cũng đã ký cam kết phòng chống dịch với địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID -19 như giảm mật độ người lao động tại mỗi ca làm việc, ca ăn; giảm tiếp xúc bằng bố trí vách ngăn tại nhà ăn và suất ăn riêng cho từng người; thực hiện họp trực tuyến, làm việc tại nhà với một số bộ phận hành chính, kế toán; lắp đặt camera giám sát các khu vực có nguy cơ; lập danh sách quản lý thông tin của người lao động gửi Ban Quản lý các KCN, các cơ quan y tế liên quan; yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN yêu cầu các DN trong KCN xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Do đó, các DN cần tăng cường vai trò của Tổ an toàn COVID-19. Lãnh đạo các công ty, DN xây dựng phương án sắp xếp khung giờ, ca kíp, số lượng các chuyên gia, người lao động làm việc phù hợp nhằm giảm số lượng người tập trung trong một phòng. Đồng thời, hàng tháng các DN tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thường xuyên cập nhật trên bản đồ an toàn lên hệ thống bản đồ an toàn với COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi DN không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. “Nếu xảy ra trường hợp người lao động mắc COVID-19 thì chủ DN phải chịu trách nhiệm, chịu toàn bộ chi phí phòng, chống dịch do lơ là, chủ quan và phải tạm dừng hoạt động cho đến khi bảo đảm an toàn”, ông Lê Xá nhấn mạnh.

(bariavungtau.com.cn)

;
CÁC TIN KHÁC