admin  /    11/01/2022  /    79 Lượt Xem  / 

Với điều kiện cảng biển, đường giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư phù hợp, môi trường đầu tư thông thoáng, BR-VT luôn làm các nhà đầu tư Nhật Bản hài lòng, chọn làm điểm dừng chân.

Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging đang triển khai giai đoạn 2 của dự án tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Thời gian triển khai dự án nhanh

Sau 2 năm xây dựng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tháng 8/2021, dự án Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam Phú Mỹ do Công ty Yoshino Gypsum (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 50 triệu USD đã đi vào hoạt động giai đoạn 1, sản xuất tấm thạch cao với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản, cùng đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, cung cấp các sản phẩm tấm thạch cao chất lượng cho thị trường vật liệu xây dựng cũng như các công trình xây dựng tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 11/2020, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã chính thức đưa Nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) với tổng vốn đầu tư là 4.810 tỷ đồng đi vào hoạt động sau gần 2 năm xây dựng. Nhà máy có công suất 400.000 tấn sản xuất giấy mặt và giấy sóng sử dụng trong ngành bao bì. Đây là nhà máy giấy đầu tiên của một Tập đoàn Nhật Bản, sử dụng công nghệ, vận hành và quản lý theo kiểu Nhật tại tỉnh BR-VT. Ông Matumura Hiroshi, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, nhà máy đã đi vào hoạt động, DN đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để đẩy mạnh sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 45 dự án của DN đến từ Nhật Bản với tổng vốn khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ 5 trong trong các quốc gia có vốn đầu tư FDI tại BR-VT. Trong đó có 25 dự án đầu tư Nhật Bản đã đi vào hoạt động. Các dự án với số vốn đầu tư từ Nhật Bản thường thực hiện nhanh, đúng như cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng công nghệ tiên tiến. Mặc dù số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chưa nhiều, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện đạt khá cao, chiếm khoảng 75% so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án quy mô lớn về công nghiệp, cảng biển của Nhật Bản đã và đang được đầu tư tại tỉnh với công nghệ hiện đại của nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn như: Vinakyoei, Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori… Các dự án đi vào hoạt động góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường, tập trung chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: thép, khí gas, tái chế nhôm, bột nhôm; sản xuất giấy, nhựa, đồ gỗ, đồ nội thất và ngoại thất.

Sản xuất nội thất xuất khẩu tại DN chế xuất Nitori Việt Nam chi nhánh BR-VT  đây cũng là một trong những thương hiệu lớn của Nhật Bản đầu tư vào BR-VT.

Sản xuất nội thất xuất khẩu tại DN chế xuất Nitori Việt Nam chi nhánh BR-VT đây cũng là một trong những thương hiệu lớn của Nhật Bản đầu tư vào BR-VT.

Tháo gỡ rào cản tiếp tục thu hút các dự án

Ông Isawa Hyroyuki, Trưởng nhóm Hiệp Hội DN Nhật Bản tại BR-VT cho biết, qua khảo sát DN tại Nhật Bản mới đây về việc đầu tư kinh doanh ở nước ngoài cho kết quả hơn 40% DN ghi nhận chọn đến Việt Nam. Trong đó, nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ chọn BR-VT. Các nhà đầu tư Nhật Bản chọn BR-VT vì các KCN có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, sánh tầm khu vực. Đặc biệt, BR-VT có những lợi thế phát triển công nghiệp tạo nên sự khác biệt mà các tỉnh, thành phố khác không có. “Trước hết là vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống đường giao thông, cảng nước sâu và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Thứ hai, BR-VT đang tập trung phát triển công nghiệp nặng để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để BR-VT phát triển công nghiệp hơn nữa trong thời gian tới, vì “trái tim của phát triển công nghiệp” là phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Isawa Hyroyuki nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN đánh giá, các nhà đầu tư Nhật Bản thường tuân thủ, chấp hành tốt các quy định pháp luật sở tại, triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, nhanh chóng đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản thường áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao vào sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư, từ đó tích cực đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm ổn định và chế độ phúc lợi tốt cho người lao động. Năm 2021, thuế nộp ngân sách nhà nước của DN Nhật Bản đạt gần 40 triệu USD. Đây thực sự là những kết quả ấn tượng mà các DN Nhật Bản khi vào đầu tư đã đáp lại kỳ vọng cũng như thiện chí kêu gọi đầu tư của địa phương. 

Tuy nhiên, hiện số lượng dự án có vốn đầu tư Nhật Bản khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 45/420 dự án đầu tư nước ngoài. Do đó, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư của Nhật Bản, tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển, tính kinh tế và thuận lợi của cảng Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho các DN Nhật Bản, theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho rằng, cần tháo gỡ một số rào cản. Cụ thể, hiện thời gian thực hiện xin phê duyệt các thủ tục liên quan tới đầu tư, môi trường, giấy phép xây dựng và các thủ tục khác kéo dài khoảng 240-260 ngày làm việc, gây ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư. Đây cũng là một trong những trở ngại của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào BR-VT nói riêng và Việt Nam nói chung.

(baobariavungtau.com.vn)