admin  /    20/06/2022  /    47 Lượt Xem  / 

Nhiều địa phương, doanh nghiệp cho rằng thời điểm triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm nằm trong giai đoạn còn dịch Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, trong 6 tháng. Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỉ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian nộp hồ sơ đề nghị được tính từ ngày 1-7-2021 đến hết 30-6-2022.

Doanh nghiệp thờ ơ

Một chính sách được đánh giá là nhân văn, kịp thời của Chính phủ dành cho NLĐ và DN, được triển khai gần 1 năm nay nhưng kết quả không như mong đợi.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 27-5, tức là còn cách thời điểm kết thúc đăng ký hơn 1 tháng nhưng cơ quan này mới thực hiện chi 23,5 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 5.038 NLĐ của 36 đơn vị. Còn theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 18-5, sau hơn 10 tháng triển khai, cả nước mới có hơn 200 DN yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 NLĐ, với kinh phí dự kiến gần 500 tỉ đồng. Trong đó, 48 đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cho gần 10.000 NLĐ với tổng kinh phí dự kiến gần 70 tỉ đồng.

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO DUY TRÌ VIỆC LÀM: Khó thực hiện đúng hạn - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp mong chờ mô hình đào tạo để bảo đảm xuyên suốt các hoạt động sản xuất - kinh doanh

Đại diện một DN có quy mô hơn 1.000 lao động tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết khi dịch bệnh ập đến, DN duy trì được khoảng 30% lao động làm việc theo mô hình "3 chung". Khi mở cửa trở lại, DN hao hụt hơn 15% lao động do nhiều người về quê không quay trở lại làm việc. Để bù đắp số nhân sự thiếu hụt, DN này đã liên tục tuyển dụng và kêu gọi NLĐ trong công ty khuyến khích người thân vào làm việc. Tuy nhiên, đến giờ này, số lượng nhân công vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của DN. "Do áp lực vực dậy sản xuất, thiếu nhân sự và các đơn hàng đã ký nên chúng tôi không thể thu xếp được thời gian cho công tác đào tạo. Nhân công đang thiếu thì khó cử người đi học" - đại diện DN chia sẻ.

Ông Nguyễn Kế Á, Giám đốc Công ty TNHH TM và XNK Á Châu (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng giai đoạn triển khai chính sách, công ty ông phải tập trung phục hồi sản xuất để bù thời gian dừng hoạt động do phòng chống dịch bệnh. DN vừa và nhỏ khó chứng minh doanh thu giảm hoặc thay đổi công nghệ sản xuất (2 yêu cầu để được hưởng thụ chính sách), vì đã kiệt quệ trong 2 năm dịch Covid-19.

Không như kỳ vọng

Trao đổi về thực trạng trên, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, cho rằng chính sách hỗ trợ DN đào tạo để duy trì việc làm cho NLĐ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ chưa được các DN và NLĐ đón nhận tích cực. Dù sắp hết hạn đăng ký nhưng lượng DN yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho NLĐ trong cả nước là rất ít. Duy chỉ có vùng Đông Nam Bộ có lượng hồ sơ nhiều vượt trội, còn lại nhiều địa phương chưa có hồ sơ đề nghị nào.

Theo ông Dũng, nguyên nhân là do thời điểm triển khai chính sách này rơi vào giai đoạn nhiều địa phương đang gồng mình phòng chống dịch Covid-19, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động triển khai đào tạo không thể thực hiện được. Còn tại những địa phương dịch bệnh được khống chế thì cả DN và NLĐ đang phải nỗ lực vực dậy sản xuất - kinh doanh.

"Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy nhiều DN lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự quan tâm việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ. Có thể họ còn e ngại trong việc làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo…, dù thủ tục để hưởng chính sách này vô cùng giản đơn. Đây là điều đáng tiếc khi một chính sách nhiều ý nghĩa này không như kỳ vọng" - ông Dũng nói.

Hiện Tổng cục GDNN khẩn trương rà soát, phê duyệt và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để càng nhiều NLĐ được đào tạo càng tốt. Tổng cục cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo GDNN chủ động phối hợp với DN, hỗ trợ họ lập hồ sơ, đào tạo bồi dưỡng, thanh - quyết toán. Thời gian qua, Tổng cục GDNN đã tổ chức khoảng 30 buổi làm việc với nhiều địa phương, DN để thúc đẩy triển khai. Qua đó, nhiều DN cho rằng gói hỗ trợ rất cần thiết song thực tế triển khai lại rất chậm. Quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là gấp rút thực hiện chính sách sao cho đúng hạn, rồi mới tính tới đề xuất cấp thẩm quyền gia hạn chính sách.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ (VINASME), đánh giá từ nay đến cuối năm, chính sách chưa chắc đạt mục tiêu khi chỉ còn hơn 10 ngày nhận hồ sơ đăng ký và 6 tháng đào tạo. "Với số lượng hồ sơ đề nghị và số tiền giải ngân quá thấp, kể cả có đào tạo tới hết năm nay cũng có thể nói chính sách không thành công, dù mục tiêu tốt" - ông Thân nhấn mạnh.

Tinh giản điều kiện, hồ sơ

VINASME đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ đến hết năm 2023, đồng thời bỏ quy định DN phải chứng minh phương án duy trì việc làm vì không thể giữ chân NLĐ khi họ muốn nghỉ việc. Cấp có thẩm quyền cũng nên tính tới tinh giản điều kiện, hồ sơ nếu muốn giải ngân nhanh hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và NLĐ.

(NLĐO)