admin  /    12/07/2022  /    82 Lượt Xem  / 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiến nghị gia hạn thêm hai tháng chi trả cho hơn 414.000 người đủ điều kiện hưởng 1,8-3,3 triệu đồng, từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Báo cáo tình hình hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (gói 38.000 tỷ đồng), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ cho lao động đã nộp hồ sơ đề nghị, nhưng chưa được chi trả. Theo thống kê, sau ngày 31/12/2021 - hạn cuối giải ngân gói vẫn còn hơn 414.000 lao động đủ điều kiện hưởng, đã nộp hồ sơ đúng thời hạn, nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến 1.155 tỷ đồng.

Các mức hỗ trợ lao động, doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đồ họa:Tạ Lư
Các mức hỗ trợ lao động, doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đồ họa:Tạ Lư

Trong đó, hơn 119.000 lao động đã được phê duyệt hồ sơ, kinh phí dự kiến 336 tỷ đồng. Những người này chưa được chi trả do kê khai sai thông tin nên không liên lạc được; vì lý do bất khả kháng chưa đến nhận tiền; thông tin hỗ trợ chưa chính xác hoặc có nguyện vọng đổi hình thức nhận tiền...

Hơn 295.000 người đã được tiếp nhận hồ sơ, nhưng chưa giải quyết được với số tiền dự kiến gần 819 tỷ đồng. Lý do là nộp hồ sơ vào hạn cuối, có quá trình đóng phức tạp nên cần điều chỉnh thông tin; khó xác định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập có dùng nguồn ngân sách nhà nước khiến thủ tục nhận của một số cơ quan đặc thù chậm so với tiến độ.

Thời điểm kiến nghị chi trả trong 2 tháng, tính từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc gia hạn.

Tháng 9/2021, Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thời điểm từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021, riêng doanh nghiệp được giảm đóng Quỹ trong 12 tháng, tới hết tháng 9/2022.

Đến tháng 3/2022, gói hỗ trợ đã chi trả cho gần 13 triệu lao động, giải ngân 30.800 tỷ đồng. Hơn 346.800 doanh nghiệp được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng gần 11,5 triệu lao động với số tiền giảm đóng khoảng 4.400 tỷ đồng (từ tháng 10/2021 đến 3/2022).

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới sau ảnh hưởng bởi dịch, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới sau ảnh hưởng bởi dịch, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ phần lớn đến từ khoản đóng góp của giới chủ doanh nghiệp và người lao động. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng lao động. Từ năm 2009 đến 2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm.

Theo báo báo, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư hơn 60.600 tỷ đồng, tính tới hết năm 2021. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán, nếu tiếp tục chi hỗ trợ cho 414.000 lao động, kết dư Quỹ còn 55.750 tỷ đồng, "vẫn đảm bảo an toàn vì cao hơn hai lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021".

(vnexpress.net)